Lượt xem: 23987

Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2021): Nhớ những mẩu chuyện về tấm lòng của Bác với thương binh, liệt sĩ

Cứ hằng năm vào ngày 27-7 này, từ già tới trẻ, từ Bắc chí Nam, từ ngược tới xuôi tất cả đều hướng con người và trái tim của mình về những thương binh và gia đình liệt sĩ.  Ngày 27-7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn đặc biệt, nhắc nhở mọi người về đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Vì Tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những con người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

    Để đất nước được giải phóng, được thống nhất như ngày hôm nay, rất nhiều người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả vì Tổ quốc thống nhất”. Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe dọa, của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Đó là những con người “mạnh hơn sắt thép” đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và mãi mãi thanh xuân - cái tuổi đẹp nhất của một đời người dành trọn vẹn cho đất nước, cho các thế hệ mai sau. Sử sách không ghi hết được sự hy sinh cao cả của họ, chỉ có lòng thành kính nhớ ơn mới là đáng quý.


Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sỹ (Ảnh tư liệu)

 

    Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhân ngày Thương binh tử sĩ 27-7-1952, khi nói về trách nhiệm của nhân dân đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết: “...Nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc””. Và, Bác Hồ đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, và Người giải thích “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”…

    “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất. Tình thương yêu của Bác Hồ đối với thương binh và gia đình liệt sỹ vô cùng rộng lớn và thiết tha, cụ thể được kể qua hai mẩu chuyện sau:

    1. Để Bác quạt

    Năm ấy, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại.

    Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi.

    Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe thương binh, bỗng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng vào gần Bác, vừa quay lại thì Bác cũng đi tới…

    Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón đồng chí thương binh.

    Hình như có linh cảm đặc biệt; đồng chí thương binh hỏng mắt bước tới ôm chầm lấy Bác, nghẹn ngào hai tiếng “Bác ơi”. Hai dòng nước mắt lăn xuống gò má còn chưa lành hẳn vết thương…

    Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi.

    Bác đến từng giường anh chị em đau nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm.

    Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh.

    Có người định làm thay, Bác nói:

    - Để Bác quạt.

    Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui. Và có lẽ vì thế mà khi cơ quan định lắp máy điều hoà nhiệt độ nơi Bác ở, Bác bảo đem ra cho các đồng chí thương binh(1).

    2. Câu chuyện chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng Bác

    Chiếc máy điều hòa nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác.

    Lúc đó Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng.

    Mặc dù vậy, nhưng khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hòa nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ:

    - “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”(2).

    Đây là hai mẩu chuyện trong nhiều câu chuyện thể hiện tình thương yêu của Bác đối với thương binh và gia đình liệt sỹ. Trái tim, khối óc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nghĩ về việc nước, về phong trào cách mạng ở năm châu, bốn bể mà còn hằng lo cả đến những việc đời thường như bếp ăn của bộ đội, nhà tắm cho nông dân, nơi an dưỡng của người già, trại trẻ cho các cháu nhỏ... Biết bao câu chuyện thường ngày đã nói lên tình thương yêu con người, sự quan tâm rất cặn kẽ, tỉ mỉ của Người đối với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với Tổ quốc.


Bác Hồ đến thăm trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (Ảnh tư liệu)

 

    Qua hai mẩu chuyện trên, chúng ta thấy rất bình thường nhưng vô cùng sâu sắc, thể hiện phong cách sinh hoạt của Bác, là tấm gương, là cách Bác dạy bảo cán bộ được làm việc gần Bác một cách thiết thực nhất. Trong tình hình kinh tế và chính trị của dân ta hồi đó, việc Bác sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất của nhân dân và cán bộ, đồng thời thể hiện tấm lòng chân thành của Bác, tấm lòng của một lãnh tụ muốn cùng đồng cam, chịu gian khổ với dân, chia sẻ nỗi đau với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nước. Đó là tấm chân tình của một công dân Việt Nam. Bác đã vượt lên trên những tập quán thông thường về cách sống của một vị lãnh tụ; chính những tập quán, lề lối đó lại thường vô hình ngăn cách lãnh tụ với nhân dân, với thực tế đời sống của xã hội.

    Trước lúc đi xa, về bên kia “Thế giới người hiền”, năm 1969, trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã căn dặn nhiều điều hệ trọng về công tác lao động, thương binh và xã hội. Bác viết: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong lịch sử dân tộc, một di sản vĩ đại, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc Việt Nam và của loài người. Đúng như lời Thủ tướng Ấn Độ I.Gandi đã từng ca ngợi: “Tên tuổi của Người sẽ trường tồn như nhân dân của Người. Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ các thế hệ mai sau(3). Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản vĩ đại đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo để làm một người cách mạng, một người công dân tốt hơn, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.

    74 năm, kể từ Ngày Thương binh – Liệt sĩ đầu tiên đến nay, quán triệt tư tưởng, quan điểm và tình cảm của Bác, Đảng và Nhà nước ta cùng rất nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với những thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những gia đình có công với đất nước, được thể hiện qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Phụng dưỡng bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, hỗ trợ gia đình thương binh, liệt sĩ, tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm... Những việc làm ấy không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, mà còn đề cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta. Đồng thời, tăng cường ý thức, trách nhiệm bản thân của mình, các thương, bệnh binh cũng phấn đấu theo lời Bác dặn “Tàn mà không phế”, quyết tâm vươn lên trước hoàn cảnh, là tấm gương sáng về rèn luyện, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, trở thành những mẫu mực về đức độ và điển hình về lao động, sản xuất.…

    Trong giai đoạn cách mạng mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam mãi mãi biết ơn và tiếp tục khơi dậy truyền thống nhân văn sâu sắc và niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý “Nhớ về nguồn cội” đền ơn đáp nghĩa của dân tộc với những người anh hùng: “Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ đã luôn luôn sống với non sông Việt Nam” lên tầm cao mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ta “ngày càng to đẹp hơn” sánh vai với các c­ường quốc trên thế giới như­ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn./.

Anh Võ

 

1 và 2.   Theo “Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ”. Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2003.

-3. Trích trong sách “Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch”, Nxb Sự thật, HN,1970.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 83
  • Hôm nay: 379
  • Trong tuần: 70,806
  • Tất cả: 11,802,813